Thúy Hà
Tại Việt Nam, dầu mỡ nhờn (DMN) là mặt hàng kinh doanh theo cơ chế thị trường, nhà nước không quản lý giá. Đây là thị trường cạnh tranh thực sự. Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex (PLC) - gọi một cách thân thiện là “Dầu nhờn Petrolimex” đã cạnh tranh thành công, góp phần không nhỏ vào kết quả kinh doanh hợp nhất của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Bình quân mỗi cán bộ công nhân viên - người lao động (CBCNV-NLĐ) PLC nộp ngân sách nhà nước khoảng 1 tỷ đồng/năm.
Tổng giám đốc Nguyễn Văn Đức giới thiệu thiết bị công nghệ sản xuất và kiểm tra chất lượng tại Nhà máy Thượng Lý
Tổng giám đốc PLC Nguyễn Văn Đức đang thuyết trình trực tiếp tại Nhà máy Dầu nhờn Petrolimex Thượng Lý |
Chúng tôi đến làm việc với PLC ngay sau khi Petrolimex công bố lợi nhuận hợp nhất trước thuế 6 tháng đầu năm 2013. Petrolimex đã chủ động gửi thông tin đến tất cả các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, thu hút sự quan tâm của công chúng: đồng thuận nhiều và bình luận trái chiều cũng có.
Gặp chúng tôi, Tổng giám đốc PLC Nguyễn Văn Đức nói ngay: Dầu nhờn Petrolimex là niềm tự hào của Petrolimex. Có thể nói: “Dầu nhờn Petrolimex” là thương hiệu Việt đủ tiêu chuẩn sánh vai với các thương hiệu dầu mỡ nhờn nổi tiếng của thế giới xét ở cả 3 phương diện: thiết bị công nghệ, chất lượng sản phẩm, kinh nghiệm.
Rồi ông trực tiếp giới thiệu và thuyết trình cho chúng tôi nghe các con số và ý nghĩa của nó. Tất cả đều rõ ràng mạch lạc; làm tôi liên tưởng đến việc Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vinh danh PLC là 1 trong 30 doanh nghiệp minh bạch nhất HNX là hoàn toàn chính xác.
Ông say sưa kể: Tại Việt Nam, DMN thực sự là thị trường cạnh tranh quyết liệt. Các hãng sản xuất DMN tại Việt Nam: doanh nghiệp trong nước có, doanh nghiệp nước ngoài có, liên doanh liên kết có. Cạnh tranh thì chủ yếu là ở 2 phương diện: chất lượng và giá cả.
Về chất lượng, DMN do PLC sản xuất, cung cấp ra thị trường có chất lượng không thua kém bất cứ các hãng nào trên thế giới trong lĩnh vực này.
Cũng dầu gốc ấy, cũng các loại phụ gia ấy, cũng công nghệ ấy - các hãng dầu nhờn trên thế giới làm như thế nào thì PLC hiện nay cũng làm như vậy, ở trình độ tiên tiến như vậy.
Về giá bán, chúng tôi bán thấp hơn so với các sản phẩm cùng chủng loại và chất lượng của các hãng khác.
Chính vì thế, dầu nhờn Petrolimex đã được người tiêu dùng Việt Nam đón nhận, sản lượng, doanh thu tiêu thụ ngày càng tăng.
Doanh số dầu nhờn Petrolimex (2006-2013)
Đó là nói về lĩnh vực cốt lõi (dầu nhờn) và tại Việt Nam, do Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex (Công ty Mẹ) trực tiếp sản xuất - kinh doanh.
Hiểu đầy đủ về PLC, cần nói thêm các ý sau: Về lĩnh vực kinh doanh, PLC còn có 2 mảng nữa là hóa chất và nhựa đường. 2 mảng này là do 2 công ty con của PLC (do PLC đầu tư vốn 100%) đảm nhiệm. Đánh giá một cách nghiêm túc và khách quan, PLC cũng đang ở vị trí số 1 tại Việt Nam về nhựa đường và hóa chất ở cả 3 phương diện: doanh thu, chất lượng và uy tín thương hiệu.
Cơ cấu doanh thu các lĩnh vực kinh doanh của PLC (6 tháng đầu năm 2013)
Bên cạnh việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam, PLC đã và đang đẩy mạnh cung cấp hàng hóa, dịch vụ sang các nước trong khu vực, trên thế giới: Tham gia hệ thống sản xuất và cung cấp dầu nhờn hàng hải Total Lubmarine trên phạm vi toàn cầu cho các tàu biển họat động tại vùng biển Việt Nam, tàu Việt Nam cập các cảng trên thế giới và tàu của thế giới cập các cảng Việt Nam; xuất khẩu sang Lào và một số nước khác.
PLC có 2 nhà máy hiện đại tại Thượng Lý (TP. Hải Phòng) và Nhà Bè (TP.HCM), công suất hiện nay 50.000 tấn sản phẩm/năm, đang mở rộng lên 100.000 tấn/năm. Các nhà máy của PLC hiện đại nhất Việt Nam và ngang tầm thế giới. Vậy nên, PLC được Tập đoàn Nippon Oil Nhật Bản lựa chọn, ký hợp đồng dài hạn pha chế dầu nhờn để cung cấp cho các phương tiện ô tô, xe máy và nhiều máy móc thiết bị khác của Nhật Bản đang họat động tại Việt Nam, như: Honda, Yamaha, Suzuki, Kubota, v.v…
Hoạt động này cũng góp phần đáng kể vào việc tạo công ăn việc làm, nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao thu nhập cho doanh nghiệp và cho người lao động PLC.
Cơ cấu doanh thu theo thị trường của PLC (số liệu 6 tháng đầu năm 2013)
Tổng giám đốc PLC Nguyễn Văn Đức rất vui mừng cho biết: Chúng tôi tự hào là đơn vị thành viên Petrolimex nộp ngân sách ở mức cao, nếu tính bình quân trên đầu người mỗi CBCNV-NLĐ PLC nộp ngân sách 1 tỷ đồng/năm (năm 2012 PLC nộp ngân sách 697 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực DMN là 302 tỷ đồng). Bên cạnh đó, PLC còn thể hiện trách nhiệm xã hội ở nhiều phương diện khác: ISO về môi trường và nhiều hoạt động xã hội từ thiện khác.
PLC là công ty cổ phần; trong đó, Petrolimex góp vốn 79,07%, lên sàn năm 2006. 6 tháng đầu năm 2013, theo tỷ lệ góp vốn, PLC đóng góp 85,638 tỷ đồng vào lợi nhuận hợp nhất sau thuế của Petrolimex.
PLC trân trọng sự tín nhiệm của đối tác, khách hàng, người tiêu dùng tại Việt Nam và ở nước ngoài; sự phối hợp của tất cả CBCNV-NLĐ trong đại gia đình Petrolimex.
Khi lợi nhuận của lĩnh vực kinh doanh xăng dầu chính (xăng, điêzen, dầu hỏa và madút) tại Việt Nam đang thực hiện chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, tiết giảm chi phí, chia sẻ lợi nhuận để bảo đảm hài hòa 3 lợi ích “Nhà nước - doanh nghiệp - người tiêu dùng” (hiểu đúng: không phải là theo thứ tự 1,2, 3; mà là “doanh nghiệp” là cầu nối, là công cụ, là phương tiện để làm việc ấy); PLC đã được các công ty xăng dầu thành viên Petrolimex nỗ lực đẩy mạnh kinh doanh tại thị trường Việt Nam để duy trì công ăn việc làm, bảo đảm thu nhập của người lao động được cải thiện xứng đáng với công sức của mình.
PLC đang hiện thực hóa tinh thần của Petrolimex là: Tiến xa hơn cùng người tiêu dùng, khách hàng, đối tác và Tổ quốc Việt Nam yêu quý của chúng ta.