Nguyễn Hải (thực hiện)
Qua 60 năm hình thành và phát triển (12/1/1956-12/1/2016). Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) không ngừng nỗ lực, khẳng định quy mô, tầm vóc và vị thế trên thị trường. Nhằm làm rõ hơn nỗ lực, thành công và đóng góp của Petrolimex với ngành Công Thương nói riêng, nền kinh tế nói chung, phóng viên Báo Công Thương đã phỏng vấn ông Bùi Ngọc Bảo - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Petrolimex.
Ông Bùi Ngọc Bảo - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Petrolimex
Xin ông cho biết những dấu ấn, thành quả nổi bật của Petrolimex sau 60 năm hình thành và phát triển?
Hoạt động kinh doanh của Petrolimex khởi đầu bằng việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, đảm bảo cung ứng xăng dầu cho nền kinh tế quốc dân, quốc phòng. Từ cơ sở vật chất ban đầu sơ khai, đến nay, Petrolimex đã trở thành tập đoàn kinh tế đa ngành – một trong những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam xét về quy mô doanh thu (bình quân 5 năm trở lại đây khoảng 200.000 tỷ đồng/năm), chỉ sau Petrovietnam; chiếm lĩnh thị phần xăng dầu khoảng 50%, đặc biệt trong bối cảnh thị trường xăng dầu ngày càng cạnh tranh. Thương hiệu Petrolimex được khách hàng cả nước biết đến.
Petrolimex là tập đoàn đa ngành, được hình thành do yếu tố lịch sử, không phải đầu tư đa ngành. Bên cạnh trục chính kinh doanh xăng dầu, tập đoàn có một số tổng công ty hàng đầu Việt Nam như: Tổng công ty Vận tải thủy Petrolimex (PG Tanker) với đội tàu tổng trọng tải hơn 500 nghìn tấn, chiếm 7% tổng trọng tải đội tàu cả nước; 50% vận tải hàng lỏng. Không thể không kể đến Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex (PLC) - doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực hóa dầu, nhựa đường và hóa chất (dung môi) - góp phần quan trọng vào kết quả kinh doanh của Petrolimex. Tương tự, Tổng công ty Gas Petrolimex (PGC), Tổng công ty Bảo hiểm Petrolimex (Pjico) cũng nằm ở top đầu trong ngành nghề doanh nghiệp kinh doanh.
Hệ thống công nghệ nhập dầu gốc tại Nhà máy dầu nhờn Nhà Bè
Thành tựu quan trọng nữa là về nhân lực. Trình độ học thức nhân lực trong tập đoàn ở mức cao. Chất lượng nguồn nhân lực Petrolimex ngày càng được cải thiện, đáp ứng tốt yêu cầu công việc mà không phải thanh lọc, thay đổi. Bên cạnh đó, nhân lực được sử dụng hiệu quả, không chỉ trong kinh doanh xăng dầu. Ví dụ như trước đây, công nhân chỉ bán xăng dầu tại cửa hàng, nay kinh doanh thêm một số mặt hàng khác - sản phẩm của Petrolimex như: Dầu mỡ nhờn, gas, sơn, nước giặt…
Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật 60 năm qua nhiều lần nâng cấp, đổi mới, đã tiếp cận được tiêu chuẩn khu vực. Kho tàng, bến bãi, công tác xuất nhập xăng dầu… hầu hết được tự động hóa, mức độ an toàn rất cao.
Với quyết tâm xây dựng Petrolimex thành tập đoàn kinh tế mạnh và năng động, hệ thống nhận diện thương hiệu mới Petrolimex đã được áp dụng trong toàn hệ thống từ năm 2012, từ Công ty Mẹ - “Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam” đến các công ty con - đơn vị thành viên Petrolimex tại Việt Nam và tại nước ngoài. Nhận diện mới Petrolimex là sự phát triển, kế thừa giá trị cốt lõi quý báu của nhận diện trước đây và thể hiện tầm nhìn “để tiến xa hơn”. Đến nay, thương hiệu Petrolimex đã “định vị” rõ ràng trong tâm trí khách hàng cả nước, đặc biệt trong môi trường cạnh tranh cao.
Có thể khẳng định: Petrolimex là tập đoàn đa ngành, các ngành nghề hỗ trợ, bổ sung cho nhau tạo nên một doanh nghiệp phát triển bền vững. Đáng nói hơn, sau khi chuyển từ đơn vị cung ứng, thực hiện nhiệm vụ chính trị thành doanh nghiệp kinh doanh theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước, Petrolimex ngày càng khẳng định được vị thế của mình. Cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ cũng như phương thức quản trị đã đạt tầm khu vực. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam hiện nay được cổ phần hóa và cấu trúc lại theo Quyết định số 828/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, là công ty đại chúng theo văn bản số 2946/UBCK-QLPH của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Công tác quản trị doanh nghiệp sau cổ phần hóa đã được triển khai như thế nào, thưa ông?
Sau cổ phần hóa, công tác quản trị doanh nghiệp từng bước thay đổi, chuyển từ việc thực hiện nhiệm vụ chính trị thuần túy sang tư duy, nếp nghĩ hiệu quả/đồng vốn. Bên cạnh đó, sự khác biệt cơ bản là hình thành yếu tố cạnh tranh, giữ gìn thương hiệu, văn hóa doanh nghiệp. Giá trị doanh nghiệp ngày càng được cán bộ, người lao động Petrolimex trân trọng. Người lao động hiểu rằng, giá trị doanh nghiệp không phải tự hình thành hay người khác “vun đắp” mà bắt nguồn từ chính mỗi con người Petrolimex, gắn bó chặt chẽ với hiệu quả doanh nghiệp và quyền lợi người lao động. Ngoài ra, yếu tố “xin cho”, dựa dẫm đối với nhà nước không còn nữa. Từ đó, năng suất lao động từng bước được cải thiện.
Đáng chú ý, quản trị doanh nghiệp thay đổi rõ nét sau khi Petrolimex đầu tư hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP). ERP – hệ thống chuẩn mực quốc tế, được áp dụng ngay lập tức toàn tập đoàn, tuy nhiên, có chỉnh sửa cho phù hợp chuẩn mực kế toán Việt Nam. Sự thay đổi này mang tính bắt buộc nhưng rất phù hợp với doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt đối với doanh nghiệp có bề dày hoạt động như Petrolimex. Petrolimex là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam với quy mô cấp tập đoàn hoàn thành áp dụng hệ thống quản trị này.
Hệ thống quản trị tốt giúp Petrolimex tự tin trong hội nhập, luôn được đối tác trong và ngoài nước tin tưởng.
Công khai, minh bạch là hoạt động không thể thiếu trong kinh doanh xăng dầu. Vậy, Petrolimex đã triển khai công tác này như thế nào, nhất là sau khi Chỉ thị 11/CT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương ngày 22/4/2014 về tăng cường công khai, minh bạch đối với hoạt động kinh doanh điện, xăng dầu được ban hành?
Đối với Petrolimex, công khai, minh bạch là hoạt động hết sức quan trọng bởi doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề nhạy cảm, mang tính chất khác biệt so với ngành nghề khác.
Hiện nay, hoạt động công khai, minh bạch có sự thay đổi lớn so với trước. Trước đây, kinh doanh xăng dầu thuộc bí mật quốc gia, nên tính chất công khai, minh bạch phụ thuộc nhiều vào cơ chế, chính sách. Sau khi cổ phần hóa, Petrolimex trở thành công ty đại chúng, theo yêu cầu của thị trường chứng khoán cũng như khát khao của doanh nghiệp “muốn quản trị tốt phải minh bạch”, Petrolimex trở thành một trong số rất ít doanh nghiệp có những báo cáo tài chính minh bạch và niêm yết công khai.
Theo Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, trao quyền định giá cho doanh nghiệp ở mức độ nhất định. Tuy nhiên, để người tiêu dùng tin tưởng, Petrolimex vẫn sử dụng và lấy định giá của Liên Bộ Công Thương – Tài chính để triển khai. Điều này cho thấy sự tuân thủ của Petrolimex đối với quyết định điều hành giá của Liên Bộ.
Tôi có thể khẳng định: Chưa ngành nghề nào, vấn đề giá được quy định cụ thể bằng nghị định, bằng thông tư như xăng dầu. Đơn cử, theo Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC, giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu bao gồm các yếu tố và được xác định bằng (=) {Giá CIF cộng (+) Thuế nhập khẩu cộng (+) Thuế tiêu thụ đặc biệt} nhân (x) Tỷ giá ngoại tệ cộng (+) Thuế giá trị gia tăng cộng (+) Chi phí kinh doanh định mức cộng (+) mức trích lập Quỹ Bình ổn giá cộng (+) Lợi nhuận định mức cộng (+) Thuế bảo vệ môi trường cộng (+) Các loại thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành. Trong đó, giá CIF được tính bằng (=) giá xăng dầu thế giới (giá Platt Singapore) cộng (+) các khoản chi phí để đưa xăng dầu từ nước ngoài về đến cảng Việt Nam. Các yếu tố này được xác định ở nhiệt độ thực tế. Trong đó, giá xăng dầu thế giới được tính bình quân của 15 ngày sát với ngày tính giá của chu kỳ dự trữ xăng dầu bắt buộc quy định tại khoản 1 Điều 31 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp không giống nhau nhưng giá quy định theo công thức. Vì vậy, doanh nghiệp lãi hay lỗ hoàn toàn phục thuộc vào chính bản thân họ.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (nhiệm kỳ 2015-2020) đề ra mục tiêu tổng quát trong giai đoạn này: “Nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, tích cực hội nhập, mở rộng quan hệ thương mại khu vực và quốc tế; xây dựng Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam trở thành tập đoàn kinh tế mạnh, phát triển bền vững, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước”. Ông có thể cho biết, Petrolimex đã và sẽ thực hiện những giải pháp gì để hiện thực hóa mục tiêu trên?
Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập sâu rộng, thách thức và cơ hội đan xen nhau. Do đó, muốn hội nhập không thể chỉ dừng ở khẩu hiệu. Nhiều năm qua, Petrolimex chủ động hội nhập thông qua việc vươn ra thị trường nước ngoài. Cụ thể: Petrolimex hình thành, vận hành hệ thống cửa hàng xăng dầu tại Lào, mở công ty tại Singapore, mở chi nhánh tại Campuchia… Thời gian tới, bên cạnh những thị trường nước ngoài cũ, tập đoàn tiếp tục mở rộng ra các thị trường khác. Thậm chí, khi đủ năng lực, Petrolimex sẵn sàng kinh doanh ở những thị trường của nước phát triển.
Bên cạnh đó, Công ty Tamada và JICA Việt Nam đã ký kết với Petrolimex một dự án từ nguồn vốn của Chính phủ Nhật Bản tài trợ không hoàn lại cho Việt Nam về sản xuất thử nghiệm bể chứa 2 lớp (gọi tắt là “SF”). Công ty cổ phần Xây lắp I Petrolimex (PCC-1) sản xuất thành công vào tháng 8/2014, hoàn thành thực nghiệm tại 2 CHXD Petrolimex tại Hà Nội (ngày 28/8/2014) và tại TP. Hồ Chí Minh (ngày 24/10/2014), được các cơ quan chức năng đánh giá cao. 5 năm qua (2010-2014) Trung tâm Hợp tác Dầu khí Nhật Bản (JCCP) đã nhận đào tạo nâng cao hơn 180 lượt cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, kỹ sư và chuyên gia đầu ngành của Petrolimex trong các lĩnh vực: kỹ thuật thương phẩm hàng hóa, vận hành kho bể xăng dầu, công nghệ thông tin, tự động hóa, marketing, tổ chức kênh phân phối, quản lý nguồn nhân lực.
Một cửa hàng xăng dầu của Petrolimex tại Lào
Petrolimex áp dụng hệ thống quản trị theo tiêu chuẩn quốc tế, phù hợp với luật pháp tại các nước mà Petrolimex kinh doanh. Petrolimex cũng đã nỗ lực trở thành doanh nghiệp có tính quốc tế - đó là cách hội nhập chủ động, sâu rộng và bền vững nhất.
Cách thức thực hiện, cần sự tham gia, giao thoa đối với nền kinh tế tiên tiến thông qua cổ đông chiến lược, trên tinh thần hợp tác các cổ đông đều có lợi. Cổ đông cùng tập đoàn chia sẻ khó khăn, cơ hội. Vì lý do này, sau khi cổ phần hóa, tập đoàn rất chú trọng tìm kiếm cổ đông chiến lược. Đến nay, Petrolimex lựa chọn 1 Tập đoàn của Nhật Bản - đó là 1 doanh nghiệp lớn có nhiều điểm tương đồng với Petrolimex nhưng có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời hơn; năng lực tài chính, khoa học – công nghệ cao hơn.
Tập đoàn muốn cổ đông chiến lược có tiếng nói và tham gia sâu hơn trong các vấn đề về quản trị, trước hết khẳng định với đối tác về sự cởi mở, công khai minh bạch và cầu thị của Petrolimex. Trên cơ sở hợp đồng hợp tác chiến lược, hai bên cùng đóng góp nguồn nhân lực với mục tiêu nâng cao hiệu quả và đổi mới trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp. Đây là sự khác biệt lớn bởi thông thường doanh nghiệp Việt Nam cần đồng vốn của đối tác mà không chia sẻ công tác điều hành.
Xin cảm ơn ông!
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: 60 năm xây dựng và trưởng thành, Petrolimex luôn chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ, khẳng định thương hiệu trong khu vực và trên trường quốc tế. Tập đoàn cũng thể hiện được vai trò chủ đạo và làm tốt cung ứng, dự trữ xăng dầu phục vụ an ninh năng lượng quốc gia cũng như đảm bảo nhu cầu nhiên liệu của nhân dân. Tôi biểu dương sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên, người lao động; đánh giá cao kết quả mà Petrolimex đạt được thời gian qua; luôn thể hiện tính sáng tạo trong công tác, góp phần nâng cao năng suất lao động và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Công Thương giao. |