Bảo Nguyên
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam-Petrolimex (PLX) Trần Ngọc Năm đã có những chia sẻ vớiNhân Dân cuối tuần, về những vấn đề trong điều hành giá xăng dầu, cũng như các giải pháp và nỗ lực bảo đảm an ninh năng lượng trong bối cảnh thị trường có nhiều diễn biến bất thường.
- Thưa ông, có thông tin cho rằng trong bối cảnh thị trường xăng dầu khó khăn, nhiều cây xăng đóng cửa nhưng Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam vẫn có lãi lớn. Ông đánh giá thế nào về thông tin này?
- Trong chín tháng năm nay, về hoạt động kinh doanh xăng dầu, chúng tôi lỗ gần 800 trăm tỷ đồng. Việc kinh doanh xăng dầu lỗ đến từ nguyên nhân chính là giá xăng dầu tiếp tục diễn biến bất thường theo xu hướng giảm. Trong khi đó, chi phí khâu tạo nguồn, khâu lưu thông thực tế tăng cao hơn chi phí định mức theo quy định được tính trong giá cơ sở. Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế quý III của PLX vẫn đạt gần 190 tỷ đồng. Lợi nhuận này đến từ hoạt động kinh doanh khác, chủ yếu các công ty con kinh doanh trong lĩnh vực vận tải, nhiên liệu bay, gas, dầu mỡ nhờn, bảo hiểm, ngân hàng và dịch vụ cho thuê kho… đã hoạt động ổn định trở lại.
Mới đây, trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã nói rằng, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu của nhà nước đã chấp nhận thiệt thòi để bảo đảm an ninh năng lượng. PLX phải căng sức ra để bảo đảm mục tiêu về hiệu quả kinh tế và thực hiện nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao. Trong thời gian vừa qua, đặc biệt trong tháng 10 và những ngày đầu tháng 11, mục tiêu quan trọng nhất của chúng tôi là góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Trong khi có một số cửa hàng xăng dầu tư nhân đóng cửa, 2.700 cửa hàng của PLX luôn mở cửa. Đó là nguyên tắc hoạt động của chúng tôi. Khi người dân có tâm lý lo lắng hết xăng dầu, chúng tôi đã chỉ đạo toàn bộ hệ thống của PLX phải bán hàng theo yêu cầu của người dân. Riêng thị trường Hà Nội, PLX yêu cầu các cửa hàng bán 24/24 giờ thay vì có một số cửa hàng do nhu cầu mua xăng dầu của người dân rất thấp nên bố trí ca bán hàng nghỉ vào 22 giờ đêm như trước. Trong điều kiện bình thường, thị phần chúng tôi chiếm khoảng 48%, nhưng bây giờ, nhiều cửa hàng xăng dầu tư nhân đóng cửa nên dồn áp lực lên các cửa hàng của PLX. Nhưng chúng tôi quyết tâm huy động mọi nguồn lực để góp phần bình ổn thị trường xăng dầu.
- Theo ông, vì sao có hiện tượng bất thường khi hàng loạt cây xăng tư nhân đóng cửa ngừng bán hàng, nhiều người dân phải xếp hàng dài mua xăng dầu?
- Rất nhiều năm làm trong lĩnh vực xăng dầu, đây là năm đầu tôi chứng kiến có 36 doanh nghiệp xăng dầu viết thư cầu cứu Thủ tướng vì thua lỗ kéo dài, do chi phí tăng, giá liên tục biến động…
Mới đây, nhiều đại biểu Quốc hội cũng nhận định là có vấn đề về điều hành thị trường xăng dầu. Trong điều kiện bất thường đó, chúng ta vẫn điều hành giá xăng trong nước theo quy định thì sẽ "vênh". Quy định đó chỉ đúng trong điều kiện bình thường, khi bất thường thì sẽ trở nên bất cập, khi bất cập mà chưa được xử lý thì doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sẽ gặp khó khăn. Sáu tháng đầu năm nay, chi phí vận chuyển từ nước ngoài về tăng cao, mà chúng ta vẫn lấy mức chi phí của năm trước để điều hành đương nhiên sẽ "có chuyện".
- Theo ông, trong điều kiện bất thường, điều hành thị trường xăng dầu nên điều chỉnh thế nào cho phù hợp?
- Chúng tôi có kiến nghị, quy định trong Nghị định 95 (Sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu) là trong những điều kiện bất thường thì liên bộ Tài chính, Công thương báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định để xử lý kịp thời. Khi thị trường có biến động, các thương nhân đầu mối báo cáo thua lỗ nặng, liên bộ Tài chính, Công thương cũng cần sớm rà soát để sau đó đưa vào điều chỉnh trong chu kỳ gần nhất. Trong điều kiện bất thường, đề nghị nhà nước cần rất linh hoạt để ứng phó với những diễn biến trong năm 2022, một năm rất dị biệt.
Thời gian qua, các thương nhân đầu mối thua lỗ nặng, họ không có điều kiện chia sẻ mức chiết khấu cho các đại lý và thương nhân nhượng quyền. Chưa nói đến chuyện mức chiết khấu 0 đồng/lít, mà ở mức 100-300 đồng/lít, các đại lý và thương nhân nhượng quyền vẫn lỗ, họ cũng đã phản ánh thông thường phải khoảng 600 đồng/lít mới đủ chi phí. Chiết khấu thấp, thậm chí 0 đồng, các đại lý và thương nhân đầu mối không thể chịu lỗ kéo dài mà phải đóng cửa hàng.
- Theo Nghị định 95, muốn thiết lập giá ngày hôm nay bán phải lấy giá 10 ngày trước xong cộng lại đưa ra giá trung bình… Các nhà kinh doanh xăng dầu nói, như vậy thường bị chậm tới 20 ngày. Theo ông có nên rút ngắn thời gian xuống năm ngày, thậm chí điều chỉnh trong ngày?
- Tôi cho rằng từ 10 ngày xuống năm ngày là khả thi, nhưng trong một ngày thì khó. Khó cho những doanh nghiệp nhà nước như chúng tôi. Nếu là tư nhân, họ không phải dừng để kiểm kê, vì đó là hàng của họ. Nhưng với các doanh nghiệp nhà nước, mỗi một lần điều chỉnh giá là phải dừng bán hàng để kiểm kê. Chúng tôi có 2.700 cửa hàng mà cứ dừng bán hàng để kiểm kê thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến việc mua xăng dầu của người dân, nhưng không kiểm kê thì việc kiểm soát, giám sát sẽ gặp khó khăn. Điều hành giá theo ngày trong điều kiện thị trường xăng dầu như bây giờ cũng rất rủi ro, vì có ngày biến động 5-10 USD/thùng.
- Có rất nhiều kiến nghị nên giảm hoặc bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt xăng dầu. Quan điểm của ông về vấn đề này?
- Chúng tôi cũng nhiều lần kiến nghị giảm hoặc bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt, vì xăng dầu là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Xăng dầu không phải là mặt hàng cần hạn chế tiêu dùng. Giảm, bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt không tác động nhiều đến doanh nghiệp xăng dầu, nhưng mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, tác động tốt đến các ngành sản xuất vì họ được hưởng giá đầu vào tốt hơn.
- Xin cảm ơn ông!