Nguyễn Quang Dũng
Xúc tiến thương mại (XTTM) với ý nghĩa là tổng thể các hoạt động thực tiễn nhằm mục đích kết nối bên bán với bên mua, bên cung ứng với bên tiêu dùng hàng hóa/dịch vụ nào đó.
Giám đốc Petrolimex Quảng Trị trực tiếp đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng
Xét từ ý nghĩa nói trên, các hoạt động thực tiễn về XTTM ở Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex/PLX) trong năm 2017 đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực cho cả 2 bên: bên bán & bên mua, bên cung ứng & bên tiêu dùng.
Toàn hệ thống, đa dạng & đa chiều
Về bề nổi, Petrolimex đã tổ chức khuyến mại tri ân khách hàng tiêu dùng điêzen với thời gian 45 ngày trên quy mô toàn quốc với tên gọi “Ngày Vàng Petrolimex 2017”.
Mục tiêu của đợt khuyến mại này, bên cạnh ý nghĩa tri ân, còn có ý nghĩa hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vận tải, nông nghiệp & ngư nghiệp giảm bớt được phần nào chi phí nhiên liệu khi tiêu dùng điêzen cho các phương tiện của mình.
Petrolimex cũng ký thỏa thuận với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐ) thực hiện chính sách giá ưu đãi cho đoàn viên TLĐ khi tiêu dùng hàng hóa/dịch vụ Petrolimex.
Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex (PLC) cũng có 2 đợt khuyến mại tri ân cả hệ thống phân phối lẫn bên tiêu dùng với tên gọi “Dầu nhờn Petrolimex hỗ trợ người bán, khuyến mại người mua”.
Bên cạnh quy mô tập trung nói trên, tại các đơn vị thành viên Petrolimex cũng tổ chức nhiều hoạt động XTTM với quy mô vùng miền khi có các sự kiện: nhân ngày thành lập công ty/chi nhánh, nhân khai trương cửa hàng xăng dầu và/hoặc cửa hàng kinh doanh tổng hợp, nhân phiên chợ vùng cao, v.v..
Theo cách đó mà xăng dầu cùng các hàng hóa/dịch vụ Petrolimex đã đến với đồng bào vùng sâu vùng xa - vùng đặc biệt khó khăn: nào dầu nhờn, nào gas, nào nước giặt, nào sơn, nào bảo hiểm, …
Nơi nào Petrolimex đem hàng hóa/dịch vụ đến thì nơi đó hàng hóa/dịch vụ Petrolimex đều được đồng bào vui mừng đón nhận sử dụng thể hiện ở các sản lượng/doanh thu đều gia tăng tại các tin/bài đã đưa.
Như vậy, bên bán hàng thì gia tăng được sản lượng/doanh thu bán ra, bên mua hàng được tiếp cận với hàng hóa/dịch vụ chính hãng với mức ưu đãi (giảm trừ trực tiếp) và/hoặc có thưởng bằng hiện vật.
Thương hiệu Petrolimex cứ thế lan tỏa cùng với các trải nghiệm của người tiêu dùng về hàng hóa/dịch vụ Petrolimex.
Điều này là quan trọng trong bối cảnh trên thị trường còn rất nhiều hiện tượng “nhái” thương hiệu Petrolimex, cửa hàng bán “xăng dởm” (xăng chỉ có trị số octan 50 RON nhưng bán với giá của xăng 92 RON); bên cạnh đó hiện tượng giả dầu nhờn Petrolimex, giả gas Petrolimex, v.v… báo chí liên tục đưa tin để khuyến cáo người tiêu dùng cảnh giác với hàng giả, hàng nhái.
Bên cạnh đó, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đang được các cấp các ngành tiếp tục triển khai ngày càng sâu rộng cùng với các hoạt động liên kết nội khối tạo sức mạnh cho cộng đồng doanh nghiệp Việt.
Bởi bản chất của XTTM không phải là hoạt động phong trào, vậy nên, nó phải được quan tâm, duy trì liên tục trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp trong mối liên hệ chặt chẽ với hoạt động marketing, kế hoạch hàng năm và chiến lược phát triển của doanh nghiệp.
Hoạt động XTTM của Petrolimex được thực hiện đa dạng và đa chiều tại Việt Nam đồng thời với việc từng bước vững chắc tiến hành tại các nước trong khu vực, trên thế giới.
Bên cạnh hoạt động XTTM bán hàng hóa/cung cấp dịch vụ, hoạt động XTTM trong nhập khẩu và/hoặc mua sắm hàng hóa cũng đồng thời được tiến hành để bảo đảm hàng hóa/dịch vụ đạt chuẩn ngay từ đầu vào với mức giá cạnh tranh.
5 đúc rút từ thực tiễn
Để XTTM đem lại hiệu quả thiết thực, từ thực tiễn Petrolimex, có thể nêu lên mấy điểm lưu ý sau:
Một là, phải thấu hiểu thị trường. Phải biết rõ mình đang có gì, nằm ở phân khúc nào và người tiêu dùng đang có nhu cầu về hàng hóa/dịch vụ gì; tình hình cạnh tranh và chiến lược sản phẩm của các nhà phân phối hàng hóa/dịch vụ cùng loại ra sao.
Hai là, phải thấu hiểu hàng hóa/dịch vụ. Chủ động biên soạn thông tin ngắn gọn, chính xác về các đặc tính cốt lõi của của hàng hóa/dịch vụ; từ đó, cung cấp đến cả người bán/hệ thống phân phối và khách hàng/người có nhu cầu mua hàng.
Ba là, phải tổ chức các hoạt động thực tiễn để hàng hóa/dịch vụ tiếp xúc với người tiêu dùng/công chúng. Hoạt động thực tiễn phải được thực hiện phù hợp với đặc điểm dân cư và văn hóa tiêu dùng từng vùng thị trường.
Bốn là, phải kiểm soát được hệ thống phân phối hàng hóa & cung cấp dịch vụ của mình; sao cho nó chuẩn chỉ nhất, đáng tin cậy nhất - xét từ cả phương diện doanh nghiệp lẫn từ góc độ người tiêu dùng và xã hội.
Năm là, phải đón nhận/lắng nghe phản hồi của khách hàng để hoàn thiện hàng hóa/dịch vụ duy trì sự tin cậy, sự hài lòng của khách hàng đối với hàng hóa/dịch vụ.
Bên cạnh sự nỗ lực tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh của chính doanh nghiệp; cũng cần tổ chức tốt mối quan hệ với các cơ quan quản lý nhà nước trong duy trì trật tự xã hội, duy trì hiệu quả các thể chế pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.
Ví như, trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu - cần bảo vệ được nhãn hiệu trước mọi sự xâm phạm gây tổn thương đến uy tín của thương hiệu và xác lập minh mạch xăng dầu theo Nghị định 83 của Chính phủ. Đối với dầu mỡ nhờn, gas cũng vậy. Làm tốt việc này, bên cạnh việc tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, còn góp phần thiết thực để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.
Doanh nghiệp chủ động bảo vệ là chính, nhưng bên cạnh đó cũng rất cần sự chung tay của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực thi pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu, về quản lý thị trường theo Nghị định 83, 67 và 99; điều này đặc biệt quan trọng đối với những điểm nóng về xâm phạm/vi phạm nhưng không tự giác chấm dứt hành vi vi phạm đó dù đã được doanh nghiệp chủ sở hữu nhãn hiệu gửi thư khuyến cáo.
Và, cuối cùng, trong thời buổi thông tin như hiện nay, người tiêu dùng cũng cần dành sự quan tâm thích đáng cho việc lựa chọn hàng hóa/dịch vụ của mình sao cho không bị mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.